Là người Công Giáo, thậm chí những người không phải Công Giáo, hầu như đã từng nghe, biết hoặc đã từng đặt chân đến chốn linh thiêng này. Ngày nay người Công Giáo trên thế giới cũng biết đến linh địa Lavang – nơi Đức Mẹ đã hiện ra cách đây trên 200 năm. Cách thành phố Huế khoảng 60 cây số về hướng Bắc, xưa kia nơi đây là một khu rừng vắng không có người. Vào năm 1798 – Đức Mẹ đã hiện ra để an ủi những giáo dân chạy trốn vì những đợt bách hại đạo công giáo trong thời Văn Thân. Kể từ đó đến tận mãi hôm nay và mỗi ngày; đều có người chạy đến nơi đây cầu xin Đức Mẹ. Với một không gian thật yên tĩnh và thánh thiêng, quỳ dưới chân Mẹ Lavang, ai cũng tự cảm nhận được sự yên bình, che chở trong cuộc sống trầm kha này. Với tôi là một người làm âm nhạc, hoặc nói một cách khác là một người chọn những bài thánh ca hay để lồng vào những hình ảnh ý nghĩa rồi giới thiệu, loan truyền Lời Chúa qua âm nhạc đến mọi người, mà phần nhiều tôi đã chọn những tác phẩm của Nhạc Sĩ Văn Duy Tùng để thực hiện. Đang khi thực hiện video, tôi tự nhận thức có lẽ chính tôi là người được ơn nhiều nhất vì cảm nhận được tình yêu mà Mẹ Thiên Chúa – Mẹ Lavang dành cho tôi. Vâng, khi nghe một đoạn nhạc từ lời ca đến giai điệu; có nhiều người sẽ nghe hết một bài hoặc nghe lại sau đó để lắng sâu và cảm nhận... Còn riêng tôi và với công việc diễn ảnh, tôi phải nghe từng đoạn, nghe cả bài và nghe đi nghe lại nhiều lần, rồi gõ lại văn bản, nhìn bản nhạc, tìm hình ảnh liên quan… để cuối cùng dàn dựng nên một video ý nghĩa. Với bài hát BÊN MẸ LAVANG mà tôi muốn giới thiệu hôm nay. Quả thật đây là sự kết dệt hết sức tỉ mỉ từng lời ca qua ý nghĩa từng câu, cách chọn chữ nghĩa, điệp từ, văn chương cũng như giai điệu và tiết điệu…những điều đó đã chạm đến chắc không chỉ một mình tôi mà có thể còn những ai nghe ca khúc này.
“…. Mẹ Lavang chở che năm tháng. Bên Mẹ Lavang con luôn hạnh phúc bình an” Khi đặt chân đến Lavang, điều đầu tiên chắc hẳn ai cũng muốn chạy ngay đến bên tượng Mẹ Lavang; để chạm vào tượng, để cầu nguyện, để mong được bình an và dâng mọi lo âu trong cuộc sống. Mong được gần gũi và bình an bên Mẹ Lavang, đâu có khác chi như những đứa trẻ mongmẹ đi xa về; để được ngả vào lòng mẹ, được vỗ về, được ấp ủ từ hơi ấm của mẹ… Còn chúng ta - những người con lữ thứ bốn phương mỗi khi về bên Mẹ Lavang, luôn mang trong lòng những lo âu, những khắc khoải lắng sâu… để kể lể cho Mẹ nghe tất cả những ỗi lòng, rồi cầu xin Mẹ ủi an, chở che…
“Bên Mẹ Lavang, lòng con tha thiết dâng tràn. Tim rung lên cùng đàn ngân vang…” Đối với người Việt Nam, hình ảnh vầng trăng không còn xa lạ từ khi lên ba lên năm, đã từng tụ năm tụm bảy trong xóm, cùng vui chơi dưới ánh trăng mỗi khi rằm về, cũng như mỗi khi hè về. Tìm đến Mẹ, nhìn Mẹ, chiêm ngắm Mẹ: Mẹ như ánh trăng rằm dịu dàng và êm ái… Với Mẹ Lavang; ánh trăng như muốn soi tỏa để cảm và thấu lòng của mỗi người con của Mẹ, khi mà mà sự thăng trầm của cuộc sống chồng chất. Chúng ta thường có thói quen đạo đức hễ mỗi khi gặp những đau khổ, lo toan… là thường chạy đến Mẹ để cầu xin, để được ủi an và che chở. “Mẹ Lavang vầng trăng dịu dàng, dạt dào lên láng. Mẹ Lavang là bến Thiên đàng, con hạnh phúc bình an” Còn gì rộn rã bằng Mùa Xuân, bởi mỗi độ xuân về thì muôn hoa đua nở và khoe sắc. Nhìn lên Mẹ để hình dung sự dịu dàng, rạng rỡ, tươi đẹp của Đức Mẹ. Hãy cảm nhận mỗi khi đến gần bên Mẹ; chúng ta như lạc giữa muôn muôn hoa tinh khiết, ngào ngạt hương thơm của thiên đàng. Những giây phút đó cho chúng ta khoảnh khắc nồng nàn hạnh phúc an bình tưởng như bất tận trong tình yêu thương Mẹ dành cho chúng ta. “Mẹ Lavang niềm vui nồng nàn, mùa xuân không tàn…” Bài hát BÊN MẸ LAVANG của Nhạc sĩ Văn Duy Tùng đã đưa chúng ta, những người con xa của Mẹ cảm nếm được tình yêu thương. Đối với những người đến Lavang rồi hoặc chưa đến, nghe bài hát này chắc hẳn cũng nung nấu trong lòng phải một lần đến với Lavang trong cuộc đời của mình. Phải, nơi Lavang có Mẹ Thiên Chúa đã hiện ra và nay luôn chờ đón chúng ta đến để được Mẹ ủi an và ban bình an của Thiên Chúa - Đấng giàu lòng thương xót hằng lắng nghe và trao ban yêu thương cho những ai kêu cầu đến Mẹ như xưa kia Mẹ đã ban ơn cho các giáo dân.